Mỗi buổi sáng thức dậy, chúng ta lại đón nhận thêm vô vàn xu hướng mới. Sức nóng của các sự kiện, nhân vật nổi tiếng đã tạo nên “cuộc đua bắt trend”, nơi mà các thương hiệu so kè nhau từng chút một để giành sự chú ý của khách hàng.
Trong bối cảnh thông tin tiếp thị tràn ngập ở khắp mọi nơi, người tiêu dùng ngày càng “kén cá chọn canh” với những nội dung mà họ tiêu thụ. Từ đây, Marketing Trend chứng tỏ là một công cụ thu hút khách hàng một cách tự nhiên và sáng tạo, có tính viral cao. Thế nhưng từ “bắt trend” cho đến việc thương hiệu bị “bắt thóp” là một ranh giới mỏng manh nếu như không có sự tính toán kỹ lưỡng.
Đơn cử như tình huống “vạ miệng” của Coca Cola Việt Nam vào năm 2019. Với mục đích hòa chung niềm vui chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam, chiến dịch “Mở lon Việt Nam” bất ngờ bị Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch cấm đoán với lý do câu từ không phù hợp thuần phong mỹ tục.
Vậy thương hiệu nên tận dụng “bệ phóng” của xu hướng thế nào để không bị đẩy vào thế khó?
Phương châm đơn giản, gần gũi
Giống như một cuộc trò chuyện, nội dung bắt trend càng chân thật, tự nhiên càng dễ đi vào lòng người. Thời gian vừa qua, mạng xã hội được một phen sôi nổi với các trend chữ viết tay của Gucci, iPhone 11 ra mắt… Các thương hiệu cũng không bỏ qua cơ hội này để nhanh chóng cập nhật xu hướng.
Được mệnh danh là gương mặt vàng trong làng “đu trend”, Durex nổi tiếng với khả năng bắt trend thần tốc, nội dung hóm hỉnh và thâm thuý.
Có thể thấy điểm chung của những quảng cáo bắt trend đều gặp nhau ở sự gần gũi, thiết kế đơn giản, pha chút hài hước và được đánh giá cao bởi lợi ích tiết kiệm chi phí tiếp thị cho thương hiệu.
Đã xưa rồi cái thời các nhãn hàng tung hô khẩu hiệu, phóng đại tính năng sản phẩm để gây chú ý với khách hàng. Trong thời đại kỹ thuật với hàng triệu thông tin được chia sẻ qua từng phút từng giây, các nhà tiếp thị nên tận dụng lợi thế của trend để thu gọn khoảng cách với độc giả mục tiêu. Khi đó thương hiệu sẽ đóng vai trò cầu nối để giúp độc giả cập nhật nhanh chóng những chủ đề thịnh hành trong xã hội.
– Sử dụng meme: Những hình ảnh hài hước được chế từ lời bài hát hoặc lời thoại của một nhân vật đã không còn xa lạ gì với chúng ta. Tận dụng trào lưu này, bạn có thể “cài cắm” hình ảnh của sản phẩm hoặc đưa ra những thông điệp có phần trừu tượng (như Durex) để giữ chân người xem lâu hơn.
– Sử dụng micro-influencers: Những người có ảnh hưởng siêu nhỏ này tuy có số lượng người theo dõi tương đối nhỏ (1.000 – 10.000) nhưng các bài đăng của họ thường có mức độ tương tác mạnh mẽ. Ngoài ra, vì có nhiều sự tương đồng với người dùng hàng ngày (không giống như những người nổi tiếng khó tiếp cận), micro-influencers giống như bạn bè và gia đình của họ, do đó có nhiều khả năng tin tưởng vào ý kiến và đề xuất của họ.
Xác định tần số chung của xu hướng và thương hiệu
Người ta thường nghĩ rằng trong cuộc đua bắt trend, ai nhanh tay hơn người đó thắng. Tuy nhiên, góc nhìn này còn nhiều hạn chế. Liệu xu hướng này có phù hợp với đối tượng mục tiêu? Sản phẩm sáng tạo có đồng điệu với thương hiệu?
Lấy ví dụ tại thị trường nước ngoài, thương hiệu dao cạo râu Gillette đã từng mắc sai lầm nghiêm trọng khi tung video “The Best a Man Can Get” nhằm hưởng ứng phong trào #MeToo. Nghe qua mục đích nhân văn của quảng cáo “kêu gọi nam giới lên tiếng vì bình đẳng phái nữ”, người ta sẽ không ngờ rằng khách hàng mục tiêu của Gillette là cánh mày râu lại nổi giận đến vậy. Nhiều người trong số họ bị thấy bị xúc phạm, cho rằng Gillette đang trở mặt với họ.
Huyền thoại bán hàng Tom Hopkins đã từng nói: “Trong kinh doanh, sẽ có những lúc bạn không thể làm hài lòng tất cả mọi người”. Nếu như vì lấy lòng số đông mà không từ bỏ cơ hội để bắt trend, thương hiệu rất có thể bị gắn mác “câu dẫn”. Chưa kể đến những xu hướng dù đang lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng nhưng lại mang tính phản cảm, nếu ảnh hưởng xấu đến hình ảnh thương hiệu thì nhất định phải tránh.
Cuộc đời của một marketer xoay quanh từ trend ở 3 dạng:
- Đi trước đón đầu – Viết trước trend đưa đến cho độc giả có cái nhìn mới mẻ
- Lan tỏa xu hướng – Viết trong trend để độc giả tiếp cận và theo dõi
- Bước đi sau cùng – Viết sau trend để độc giả rút ra ý nghĩa và quyết định hành vi mua
Bạn có thể chủ động lựa chọn sáng tạo từ những loại nội dung trên và hãy ghi nhớ chắt lọc những xu hướng sát với định vị thương hiệu. Tiếp theo là điều chỉnh nội dung sao cho phù hợp nhất với mục đích truyền thông, đảm bảo thể hiện rõ vai trò thương hiệu và sản phẩm, chứng tỏ khả năng mang đến dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.
Cá nhân hóa nội dung, hướng về người dùng
Gen Z (những người sinh từ năm 1995 trở đi) là nhóm khách hàng tiềm năng nhất hiện nay và trở thành tâm điểm chú ý của giới tiếp thị. Họ có ưa chuộng trải nghiệm nhập vai, chính vì vậy khi bắt gặp bản thân mình trong các nội dung “trendy” của thương hiệu, họ sẽ cảm nhận thấy đang được lắng nghe, thấu hiểu và sẵn sàng chia sẻ lại bức ảnh hoặc video đó với bạn bè, người thân. Nhờ đó độ phủ của trend cũng như hình ảnh của thương hiệu sẽ lan tỏa rộng rãi hơn.
Theo tạp chí Forbes, nội dung thu hút Gen Z cần đảm bảo ba yếu tố: liên quan, có ý nghĩa và xác thực. Bằng cách sử dụng các thuật toán liên tục cập nhật dựa trên thông tin và thói quen của người tiêu dùng, các nội dung bắt trend sẽ mang tính cá nhân hóa cao và cung cấp cho họ nhiều thông tin có ích và chân thật hơn.
Kết luận
Thế giới marketing thay đổi với tốc độ chóng mặt, đòi hỏi các chiến lược phải luôn linh hoạt, sáng tạo và đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Theo số liệu của BuzzMetrics, mỗi trend ở Việt Nam sẽ kéo dài khoảng 1 tuần. Trong đó, 3 – 4 ngày đầu sẽ tập trung sự quan tâm đông đảo nhất có và mỗi trends chỉ có 1-2 “người thắng cuộc” mà khách hàng nhớ tên. Rốt cuộc, tình thế của thương hiệu sẽ “nở hoa hay bế tắc” phụ thuộc vào việc bắt sóng xu hướng nhanh chóng và đúng cách để không bị bắt thóp.
Ngọc Anh / Advertising Vietnam
Tổng hợp
The post Thương hiệu bắt trend thế nào để không bị bắt thóp nội dung? appeared first on Advertising Vietnam.
Thương hiệu bắt trend thế nào để không bị bắt thóp nội dung? posted first on https://advertisingvietnam.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét