Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2020

Đứng trên quan điểm Marketing, bàn về thành công của Parasite

Thời gian gần đây, người hâm mộ điện ảnh nói riêng và cộng đồng mạng nói chung háo hức vì chiến thắng quá ấn tượng của bộ phim Parasite (Ký sinh trùng) tại Lễ trao giải Oscar 2020 vừa qua. Theo đó, siêu phẩm của đạo diễn Bong Joon Ho đoạt 4 giải Oscar bao gồm: Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc, Phim quốc tế xuất sắc và Kịch bản gốc xuất sắc. Chiến thắng này được đánh giá là kỳ tích của điện ảnh châu Á và Hàn Quốc.

Bên cạnh những cảm xúc tự hào, chiến thắng bất ngờ này cũng tạo ra không ít tranh cãi. Thế nhưng, tạm gác lại những ý kiến trái chiều này, đứng trên góc nhìn của một chiến dịch thành công, một vài bài học Marketing nho nhỏ chúng ta có thể rút ra được qua việc phân tích sự thành công của bộ phim:

  1. Content Is King – Nội dung tốt luôn là điều kiện tiên quyết

Nếu bạn là một fan chân chính của thể loại phim tâm lý Hàn Quốc, thì đạo diễn Bong Joon-Ho đã không còn xa lạ với tên tuổi gắn liền với bộ phim xuất sắc – Quái Vật Sông Hàn – một siêu phẩm ra đời vào năm 2006. Ông cũng tích lũy được kinh nghiệm dày dặn trong quá trình làm bộ phim khoa học giả tưởng, kinh dị nói tiếng Anh đầu tiên là Snowpiercer với dàn sao Hollywood.

Chia sẻ về ý tưởng làm nên bộ phim Parasite, Bong Joon Ho lấy cảm hứng từ trải nghiệm hồi còn trẻ của mình khi làm gia sư bộ môn Toán cho con của một gia đình giàu có, từ đó ông cảm nhận và có cái nhìn đồng cảm về sự phân hoá giàu nghèo trong xã hội. Sau đó, ông bàn giao việc phát triển kịch bản này cho Han Ji Won, một nhà biên kịch tài năng và đầy tâm huyết khi Han. Dành toàn bộ thời gian cho các nghiên cứu thực tế để tìm chất liệu viết lên kịch bản đầu tay này, Han Ji Won đã chứng minh được năng lực và sự yêu nghề của mình. Sau khi đã có đầy đủ những chất liệu kịch bản, đạo diễn và biên kịch đã cùng nhau kết nối chúng và biến các ý tưởng thành một nội dung kịch bản hoàn chỉnh. Chính sự tận tâm này của hai nhân vật “cầm cân nảy mực” đã tạo nên nội dung tác phẩm xuất sắc hơn bao giờ hết, xứng đáng với hai Giải thưởng của Oscar năm nay là Đạo diễn xuất sắc nhất và Kịch bản hay nhất.

Bài học Marketing rút ra ở đây chính là: Khi bắt đầu một chiến dịch truyền thông, điều quan trọng cho những bước chuẩn bị đầu tiên: thứ nhất, một chiến lược nội dung (ở đây có thể xem nó là ý tưởng kịch bản) thực sự chuyên nghiệp, rõ ràng và đúng đắn. Trong thời đại Marketing kỹ thuật số như hiện nay, mặc dù có rất nhiều cách để tiếp cận khách hàng mục tiêu, nhưng một điều mà chúng ta không thể phủ nhận được, đó là, nội dung luôn là yếu tố cốt lõi để chinh phục và khiến khách hàng ghi nhớ bạn. Thứ hai, chúng ta cần một nhà lãnh đạo có kinh nghiệm và đủ năng lực xử lý mọi tình huống trong suốt quá trình vận hành chiến dịch. Người lãnh đạo này còn có khả năng nhìn được tiềm năng của người hỗ trợ mình trong việc phát triển ý tưởng và biến ý tưởng đó thành hiện thực. Việc xây dựng nội dung không phải là một công việc dễ dàng mà bạn có thể làm một mình, đó là sự cố gắng và hợp sức của một tập thể.

  1. Chạm đến “insight” của “target audience” 

Mỗi một bộ phim nói riêng và một tác phẩm nghệ thuật nói chung, muốn giành được tình cảm của khán giả chắc hẳn phải chạm được cảm xúc của họ. Và Parasite làm rất tốt điều này khi phản ánh đúng và chân thực một vấn đề nhức nhối của xã hội hiện đại: sự phân hoá giàu nghèo. Nếu bạn đã một lần xem tác phẩm Parasite, có lẽ hình ảnh về sự đối lập trong cái đêm mưa bão khiến căn hộ tầng hầm của gia đình Ki Taek chìm ngập trong nước thải, còn ngôi biệt thự trên cao của gia đình Park yên bình và lãng mạn trong màn mưa, hay chỉ một cái bịt mũi của ông chủ ở cuối phim vì “mùi của người nghèo” đã gây nên bi kịch của cả hai gia đình.

Liên hệ đến một chiến dịch truyền thông, cũng giống như khi thực hiện công đoạn lên kế hoạch và phát triển ý tưởng, chúng ta luôn quan tâm đến “insight” của đối tượng khách hàng mục tiêu. Từ đó có thể đưa ra ý tưởng hay ho nhất để chạm vào cảm xúc, đáp ứng được nhu cầu rồi từ đó tác động đến hành vi của họ. “Insight” chính là nguồn cảm hứng cho một ý tưởng truyền thông độc đáo và mới lạ.

  1. Dàn diễn viên và cameo đỉnh cao, thu hút truyền thông

Khả năng diễn xuất và tài năng của dàn diễn viên là điều không thể phủ nhận để góp phần tạo nên thành công của Parasite. Bên cạnh dàn diễn viên chính, khán giả còn ấn tượng với anh chàng cameo Park Seo Joon, cái tên cực hot trong bộ phim truyền hình Thư Kí Kim thời điểm bấy giờ. Có thể nói, mỗi diễn viên chính là phiên bản hoàn hảo nhất cho nhân vật mà họ hoá thân, mang khán giả đi từ cung bậc cảm xúc này đến cung bậc cảm xúc khác trong mỗi tình huống mà họ trải qua.

Yếu tố liên hệ đến một chiến dịch Marketing ở đây chính là con người. Con người trong Marketing có thể kể đến đó là những gương mặt đại diện của nhãn hàng, những người ảnh hưởng trên mạng xã hội tham gia vào chiến dịch của thương hiệu, và không thể không kể đến đó là những nhà tiếp thị đến từ nhãn hàng hay agency. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận, mối quan hệ hợp tác trơn tru và tốt đẹp giữa những người ảnh hưởng và những nhân sự đến từ agency và nhãn hàng là nền tảng cho một chiến dịch thành công.

  1. Controversial – Tình tiết nội dung tạo ra hai chiều dư luận đối lập

Nổi bật trong bộ phim Parasite chính là sự đối lập giữa Giàu và Nghèo được khắc hoạ một cách trần trụi, vừa rõ nét nhưng cũng không thiếu những ẩn dụ. Mở đầu của sự đối lập chính là cách xây dựng hình tượng các nhân vật chính, một gia đình lao động nghèo ở một căn hộ tầng hầm có mặt tiền bằng kính nhìn ra một khu phố đông đúc, nhếch nhác, một bên là gia đình giàu có, sang trọng sống trong ngôi biệt thự biệt lập trên đồi.

Sự phân hóa này còn được thể hiện ở sự đối lập trong suy nghĩ và hành vi của người giàu và kẻ nghèo. Giống như trò chơi roller coaster, Bong Joon Ho đưa khán giả vào một chuyến hành trình của cảm giác. Càng theo dõi bộ phim, sự đối lập này lại càng rõ nét: Park và vợ mình tuy tỏ ra tử tế và dù cố giấu vẫn để lộ sự kỳ thị và thành kiến, đặc biệt là cách mà họ không chịu nổi thứ mùi lưu cữu trên cơ thể của những người nghèo.

Trong khi đó, gia đình Ki Taek lại cho rằng sự giàu có dễ dàng khiến con người trở nên tử tế. “Nếu tôi giàu, tôi cũng có thể trở thành một người tử tế. Tiền là một chiếc bàn ủi, nó có thể ủi phẳng phiu tất cả những nếp nhăn” – bà vợ của Ki Taek nói trong cơn say khi họ mở tiệc trong lúc gia đình “vật chủ” đi vắng.

Chính sự đối lập này mà những tình tiết trong bộ phim được đẩy lên cao trào, là nguồn cơn của mọi diễn biến về cảm xúc và hành động của nhân vật. Tất cả các tình tiết đều diễn ra một cách vô cùng logic, có nguyên nhân dẫn đến kết quả, có cao trào để dẫn đến cái kết cô đọng nhiều cảm xúc.

Tương tự đối với một chiến dịch Marketing, việc tạo nên thảo luận hay tranh cãi từ phía cộng đồng để tăng lượng “buzz” liên quan đến thương hiệu, chiến dịch càng nhiều càng tốt là một trong những mục tiêu của các nhà tiếp thị hiện nay. Và một trong những cách để tạo ra “controversial” chính là tạo ra hai phe đối lập cùng thảo luận về một vấn đề theo những góc nhìn khác nhau. Hẳn chúng ta đều ấn tượng với câu chuyện đại chiến truyền thông giữa Milo và Ovaltine năm 2018. Sự cạnh tranh đầy thú vị về truyền thông xoay quanh quan điểm “Nhà vô địch” của hai nhãn hàng này trở thành case study quý giá trong “ngành công nghiệp” Truyền thông tại Việt Nam. Content is King, còn “Conversation is Queen”. Nếu chúng ta biết cách tạo “conversation” và “controversial” một cách thông minh, thì hiệu quả truyền thông đạt được có thể vượt ngoài sự mong đợi.

  1. Cuối cùng, vượt ra khỏi vùng an toàn

Parasite khai thác một đề tài xã hội chưa có hoặc rất ít tác phẩm điện ảnh đề cập đến: Sự phân biệt giai cấp, tầng lớp trong xã hội. Bản chất của vấn đề nhức nhối này dẫn đến những sự thật dần dần được hé mở và những cú twist mang đầy bất ngờ mà chưa một tác phẩm điện ảnh nào thể hiện được xuất sắc như thế. Điều này làm chúng ta liên tưởng đến một chiến lược mà có lẽ ai cũng biết trong Marketing “Chiến lược đại dương xanh”. Khai thác những khoảng trống thị trường đầy giá trị tiềm năng, chưa được khai phá, còn vô số cơ hội phát triển là một trong những kim chỉ nam của Marketing thương hiệu. Marketing chính là sự sáng tạo không giới hạn, nếu bạn bó hẹp tư duy và cách làm trong một chiếc hộp, bạn sẽ không bao giờ khám phá được những cơ hội rất tiềm năng ở ngoài đại dương bao la kia.

Parasite – Một bộ phim đã làm nên lịch sử khi trở thành phim nước ngoài đầu tiên giành được tượng vàng Phim hay nhất, điều chưa hề có tiền lệ trong lịch sử Oscar. Hơn thế nữa, sau bộ phim là rất nhiều triết lý sống, và sau đó là những bài học Marketing rút ra thật đáng suy ngẫm. Còn bây giờ, tại sao thương hiệu lại không tận dụng cơn sốt Parasite để tạo ra những nội dung thật “viral” nhỉ?

Nguồn: Uyên Lê / METUB

The post Đứng trên quan điểm Marketing, bàn về thành công của Parasite appeared first on Advertising Vietnam.


Đứng trên quan điểm Marketing, bàn về thành công của Parasite posted first on https://advertisingvietnam.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét