Newsletters (bản tin website) hay EDMs (Electronic Direct Mail – Thư quảng cáo điện tử) là những hình thức email marketing giúp các doanh nghiệp trực tuyến giao tiếp với khách hàng một cách hiệu quả. Tuy nhiên nếu đây là lần đầu tiên bạn tiếp thị nội dung qua newsletter, chuyện gặp phải rủi ro là khó tránh khỏi. Bài viết dưới đây đề cập 7 lỗi thường gặp về newsletter và gợi ý những giải pháp cụ thể.
Email Newsletter là hình thức sử dụng thư điện tử, bản tin điện tử, catalogue điện tử… để truyền tải thông tin đến khách hàng, thúc đẩy việc quảng bá hình ảnh thương hiệu và bán hàng. Khác với các loại email quảng cáo khác, newsletter được gửi đến cho những khách hàng chủ động đăng ký nhận tin trên website trước đó.
Mặc dù thu hút được sự quan tâm nhất định của khách hàng với thương hiệu nhưng nhiều nhà tiếp thị khi sử dụng newsletter vẫn mắc phải 7 sai sót sau đây.
1. “Tái sử dụng” tiêu đề
Mọi người vốn không thích nhận email quảng cáo. Họ càng khó chịu hơn khi thấy những email có cùng một tiêu đề xuất hiện liên tục trong hộp thư của mình. Vì vậy, bạn cần dành thời gian để sáng tạo và thay đổi dòng chủ đề thường xuyên.
Hãy thử nghiệm các chủ đề email gây tò mò, mang tính thông báo và trên hết là tạo ra giá trị cho khách hàng của bạn. Đối với các thương hiệu nhắm vào đối tượng khách hàng trẻ năng động, chẳng hạn như thế hệ Millennials hoặc gen Z, hãy cân nhắc sử dụng biểu tượng cảm xúc (emoji) trong tiêu đề để thu hút sự chú ý của người nhận, từ đó tăng tỷ lệ mở thư.
Một lợi ích khác của việc chèn emoji trong tiêu đề đó là: hiện nay hơn một nửa người dùng mở email trên thiết bị di động. Chỉ có 50 ký tự đầu tiên của dòng tiêu đề có thể hiển thị trên màn hình. Mặc dù không thể thay thế những cụm từ chính nhưng emoji góp phần đưa thông tin và cảm xúc phù hợp.
2. Thiếu sự nhất quán
Dưới đây là một số ví dụ về việc nhất quán của các bản tin:
• Không có lịch trình đăng bài cụ thể
• Quá nhiều email trong một tuần (hoặc trong một ngày)
• Không gửi bản tin đều đặn hàng tuần
Do đó, bạn cần duy trì một lịch trình thích hợp cho bản tin của mình – và đặt ra những kỳ vọng mà bản tin của bạn có thể đạt được. Hãy nhớ rằng “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, coi trọng chất lượng email hơn số lượng!
3. Thiếu thử nghiệm A/B
Thử nghiệm A/B hay còn gọi là Split Testing -Thử nghiệm phân tách cho phép bạn thay đổi các biến thể của bản tin để tối ưu hoá định dạng và cách thức phân phối, từ đó tăng tỷ lệ mở và tỷ lệ nhấp (CTR) email.
Cụ thể, thử nghiệm A/B liên quan đến việc so sánh hiệu suất giữa 2 biến thể. Bạn có thể thử nghiệm trên toàn bộ yếu tố có thể ảnh hưởng đến hành vi của người dùng như tiêu đề, lời kêu gọi hành động (call-to-action), bố cục email,… May mắn rằng, hầu hết các công cụ email ngày nay đã được tự động hoá và giúp cho thử nghiệm A/B trở nên trực quan hơn.
4. Không áp dụng các công cụ tự động hoá
Theo Hubspot, có tới 50% doanh nghiệp áp dụng tự động hóa để gửi bản tin email tới người đăng ký và khách hàng tiềm năng. Con số này được dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng cho đến năm 2023.
Tự động hóa khiến khách hàng cảm thấy được chào đón khi nhận được những thông báo flash sale, ưu đãi giảm giá sinh nhật từ doanh nghiệp. Hãy tận dụng các công cụ tự động hóa để gửi email đến những người đăng ký và bạn có thể thu được nguồn lợi đáng kể từ đó!
5. Không có bản tin khuyến mãi
Giữ liên lạc với khách hàng bằng cách thông báo một số chương trình khuyến mãi hấp dẫn, không chỉ giúp bạn quảng bá thương hiệu mà còn khích lệ khách hàng mở email và thậm chí có thể tăng doanh số.
Mọi người thích nghe những tin tức giảm giá, quà tặng cho khách hàng thân thiết và các chương trình khuyến mãi. Vì vậy hãy chắc chắn để email khuyến mãi của bạn trông bắt mắt nhất có thể – hoặc bao gồm thông tin chính trong tiêu đề email.
Ngoài ra, hãy đảm bảo mẫu đăng ký nhận newsletter dễ dàng nhất có thể để khách hàng tiềm năng nhanh chóng hoàn thành thông tin khi tham dự các sự kiện, điểm bán hàng hoặc các chương trình giảm giá của thương hiệu.
6. Không sử dụng các nút social media
Xu hướng ngày nay của người dùng là chuyển sang phương tiện truyền thông xã hội để kết nối với các thương hiệu yêu thích của họ. Bằng cách đưa các nút chia sẻ vào bản tin sẽ góp phần thúc đẩy người đăng ký email trở thành người theo dõi trên các nền tảng xã hội của thương hiệu hoặc giới thiệu, chia sẻ với bạn bè của họ.
Quảng cáo chéo (cross-promotion) trên các mạng xã hội khác nhau sẽ thu hút người tiêu dùng biến đến chiến dịch marketing của bạn trên nhiều mặt trận, ngoài ra có thể tăng giá trị vòng đời của khách hàng (customer lifetime value: giá trị của một khách hàng đóng góp cho công ty bạn trong suốt cuộc đời họ.)
7. Thiếu lời kêu gọi hành động (call-to-action)
Bên cạnh sử dụng các nút chia sẻ nhằm thúc đẩy mọi người theo dõi thương hiệu trên mạng xã hội, bạn không thể bỏ qua bước thiết lập call-to-action rõ ràng. Hãy xem xét những câu hỏi sau đây để đưa ra lời kêu gọi hành động phù hợp:
• Bạn muốn người tiêu dùng mua những mặt hàng gì?
• Bạn muốn đề xuất những ưu đãi hay chương trình khuyến mãi nào?
• Làm thế nào để người tiêu dùng đăng ký nhận bản tin của bạn?
• Người tiêu dùng có nên truy cập trang web của bạn?
Những từ CTA thường dùng gồm: “Click ngay, gọi ngay, đăng ký ngay, tham gia cùng, xem ngay để được…” Tuy nhiên, bạn nên tránh sử dụng CTA mang tính cạnh tranh như “Yêu cầu tư vấn”, “Dùng thử sản phẩm” hay “Tải tài liệu” một cách dồn dập sẽ làm giảm trải nghiệm khách hàng và hạn chế chuyển đổi.
Kết luận
Là một trong những loại hình tiếp thị có tỷ lệ chuyển đổi cao nhất các chiến dịch, email marketing thực sự cần thiết cho việc giao tiếp với khách hàng của bạn. Tuy nhiên, bạn vẫn cần theo dõi tỷ lệ nhấp và tỷ lệ mở email thực sự của người nhận để đo lường hiệu suất của chiến lược tiếp thị này. Bằng cách tránh 7 sai lầm khi tiếp thị nội dung qua newsletter, bạn sẽ nhận thấy rõ kết quả là các khách hàng tiềm năng biến thành doanh số.
Ngọc Anh / Advertising Vietnam
Theo Hive Life
The post Email Marketing: 7 sai lầm cần tránh khi tiếp thị nội dung qua newsletter appeared first on Advertising Vietnam.
Email Marketing: 7 sai lầm cần tránh khi tiếp thị nội dung qua newsletter posted first on https://advertisingvietnam.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét