Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2020

Bánh mì và Agency

Trong những lần trao đổi, có một số câu hỏi mà khách hàng rất hay đặt ra như “Tại sao anh nên làm việc với bên em thay vì với bên X/Y/Z?” hay “Mảng này em có team trong nhà làm hay outsource cho bên khác?” Hoặc thân hơn một chút thì nói vui “Những việc này bên chị làm được hết, mà không có đủ thời gian nên mới cần thuê agency thôi”,…

Những câu hỏi hoặc nhận xét này cũng đều có thể quy về một chuyện là khách hàng đang cần mua gì từ agency, và muốn biết là cái mình nhận được có xứng đáng với số tiền mình bỏ ra hay không.

Bài viết này dùng hình ảnh chiếc bánh mì để cung cấp câu trả lời cho câu hỏi trên.

Bánh mì = dự án Marketing

Nói nôm na thì một dự án Marketing cũng giống như một ổ bánh mì.

Và cái hay nhất của bánh mì là khả năng biến tấu mạnh mẽ. Chỉ cần một ổ bánh mì không, mổ ra, rồi thêm thắt các loại nguyên liệu khác nhau là mình có các bữa ăn hoàn toàn khác nhau, từ bình dân đến cao cấp. Rẻ thì có bánh mì chả lụa, ốp la. Sang hơn một chút thì có bánh mì heo quay hay thập cẩm. Mình đã từng xem trên Youtube một video clip giới thiệu một ổ bánh mì 100USD với các nguyên liệu đắt tiền như nấm truffle. Và một số quán hay địa phương có các công thức để cho ra đời các cách kết hợp rất riêng như bánh mì Hội An hay bánh mì Huỳnh Hoa. Nhưng dù là gì đi nữa, thì một ổ bánh mì đơn giản nhất cũng là sự kết hợp của nhiều thành phần khác nhau như bánh mì, pate, bơ, chả, nước tương, ngò, tiêu.

Một dự án hay chiến dịch Marketing cũng như một chiếc bánh mì, bao gồm nhiều hạng mục khác nhau như SEO, thiết kế, nội dung, kỹ thuật, quảng cáo, website, … Làm ra được một chiến dịch Marketing hiệu quả cũng giống với cách làm được một ổ bánh mì ngon. Người làm Marketing phải hiểu rõ họ đang có trong tay những tài nguyên gì, và mục tiêu cần đạt được là gì, để chọn phương án mua cả một ổ bánh mì hoàn chỉnh hay là mua các thành phần còn thiếu để mang về nhà tự chế biến.

Đi mua bánh mì = Thuê ngoài hoàn toàn

Đây là lựa chọn đơn giản nhất. Chỉ cần bỏ ra 15k – 20k là được cô bán bánh mì đưa ngay cho một ổ với đầy đủ bánh, chả lụa, thịt nạc, bơ, pate, dưa chua, hành ngò. Thao tác này cũng giống như khi một công ty thuê agency để họ xây dựng kế hoạch và triển khai một chiến dịch từ A đến Z.

Nhưng cũng giống như cách mà mỗi cửa hàng bán một số loại bánh mì riêng, theo những công thức của riêng mình, các agency cũng có những thế mạnh cụ thể. Một số bên chuyên về Branding, một số nơi lại phục vụ chủ yếu cho nhóm các công ty FMCG hay Giáo dục. Các chủ doanh nghiệp hay Marketing Manager cần hiểu rõ đề bài (brief) của mình và lựa chọn các đối tác có chuyên môn (và khung giá) phù hợp.

Bên cạnh đó, không có một agency nào đủ tiền để nuôi một đội quân có khả năng làm được tất cả mọi thứ, cũng giống như không có người bán bánh mì nào tự làm chả, làm cá mòi, làm xíu mại, dưa chua, bánh mì, nước sốt, trồng rau,… trong nhà hết cả. Việc các agency nắm vững một số mảng, và outsource các mảng khác ra ngoài là chuyện đương nhiên. Nhưng họ phải phối hợp nhịp nhàng các bộ phận trong và ngoài agency lại với nhau để đảm bảo được kết quả đầu ra của toàn dự án. Khách hàng chỉ cần làm việc với một đầu mối để quản lý tiến độ và chất lượng của chiến dịch.

Mua nguyên vật liệu về tự làm = Tìm các nhà cung cấp giải pháp cụ thể

Còn đối với ai ở nhà đã có sẵn các nguyên liệu như chả, pate, bơ, … rồi thì chỉ cần mua bánh mì không, cùng một vài nguyên liệu còn thiếu nữa thôi. Nhưng để có được ổ bánh mì đàng hoàng thì cũng phải mất công cắt chả, chiên trứng, phết pate, rửa hành ngò… và sau đó thì phải rửa dụng cụ làm bếp.

Tương tự như vậy, nếu trong nội bộ công ty có sẵn các nguồn lực để làm một số hạng mục, thì người quản lý cần biết rõ là mình còn thiếu những năng lực gì, và tìm kiếm những nhà cung cấp các giải pháp cụ thể bên ngoài. Trong trường hợp này, công ty sẽ linh động hơn, tiết kiệm được một số chi phí, nhưng trách nhiệm của đội ngũ sẽ nặng nề hơn. Ngoài chuyện tìm kiếm và lựa chọn các đơn vị có khả năng triển khai tốt, doanh nghiệp sẽ cần đảm bảo được sự đồng bộ và phối hợp hiệu quả của tất cả các hạng mục từ nhiều bên.

Khi đó, người quản lý cần đưa ra các mục tiêu hợp lý và công bằng cho từng nhà cung cấp. Bạn không thể yêu cầu cửa hàng bán chả lụa cam kết là ổ bánh mì mình làm sẽ ngon xuất sắc. Chả ngon mà không được kết hợp được với các thành phần khác thì cũng không thể cho ra một món ăn ngon miệng được. Yêu cầu này cũng khó như việc bắt buộc một đơn vị làm SEO (Tối ưu hoá công cụ tìm kiếm) phải cam kết doanh số. Bởi vì SEO là công đoạn trung gian để thu hút những người đang tìm kiếm các nội dung phù hợp với từ khoá và dẫn họ về website. Việc có chuyển đổi lượng traffic đó thành leads và sau đó thành khách hàng hay không sẽ phụ thuộc vào các yếu tố khác, và có thể sẽ do các đội ngũ khác đảm nhận. Người quản lý phải là người xây dựng được bức tranh lớn, lắp ráp các miếng ghép vào những vị trí phù hợp, và chịu trách nhiệm cuối cùng cho dự án của mình.

Thông qua hai ví dụ trên, Quân hy vọng là người đọc có cho mình câu trả lời cho câu hỏi khi nào nên thuê agency, và nên thuê họ cho những việc gì. Không có một câu trả lời chung vì hoàn cảnh của từng công ty hay thương hiệu rất khác nhau. Quan trọng nhất là chủ doanh nghiệp/nhà quản lý nắm rõ được mục tiêu của mình và các tài nguyên hiện có để đưa ra các đầu bài cụ thể, và tìm kiếm những agency có các năng lực phù hợp.

*Nguồn: Võ Minh Quân

Doanh Nhân Plus

The post Bánh mì và Agency appeared first on Advertising Vietnam.


Bánh mì và Agency posted first on https://advertisingvietnam.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét