Nguyễn Thị Minh Châu, cô biên kịch tài năng 9x đứng sau nhiều MV đình đám như: Để Mị nói cho mà nghe (Hoàng Thùy Linh), Em gái mưa (Hương Tràm), Đừng hỏi em (Mỹ Tâm), chuỗi series Anh đang ở đâu đấy (Hương Giang),… hay gần đây nhất là sản phẩm âm nhạc Kẻ cắp gặp bà già của ca sĩ Hoàng Thùy Linh đang làm mưa làm gió trên top thịnh hành Youtube.
Minh Châu hiện đang đảm nhiệm vị trí Content Manager tại Alien Media, một Production House tên tuổi tại Việt Nam với những dự án music marketing nổi bật trong thị trường quảng cáo. Vừa qua, Advertising Vietnam đã liên hệ với Minh Châu để nghe Châu chia sẻ thêm về nội dung độc đáo và quá trình lên ý tưởng cho MV Kẻ cắp gặp bà già.
Chào Minh Châu, bạn có thể chia sẻ cho Advertising Vietnam biết cảm hứng viết nên kịch bản cho MV Kẻ cắp gặp bà già được xuất phát từ đâu và lý do sử dụng các chất liệu dân gian vào MV?
Cảm hứng đầu tiên đến từ bài hát Kẻ cắp gặp bà già, đó là một câu chuyện mang tính nữ quyền nói về cách một cô nàng “tặng” cho chàng trai chuyên thả thính lung tung “một bài học”. Sau đó là từ MV Để Mị nói cho mà nghe, mình biết được gout của chị Linh là thích tổng hợp và liên kết các dấu ấn văn hoá Việt Nam trong MV. Nếu như trong MV Để Mị nói cho mà nghe là văn học nhà trường, thì lần này trong lúc tìm hiểu, Châu đã may mắn tìm ra tranh Hàng Trống. Đây là một dòng tranh rất đặc sắc, không thua kém gì tranh Đông Hồ, nhưng lại không có nhiều người biết đến.
Bên cạnh đó, màu sắc của tranh cũng rất hợp với “đề bài” mà ca sĩ Hoàng Thùy Linh đưa ra. Minh Châu bật mí: “Chị Linh muốn MV lần này vừa phải kết hợp được văn hoá dân gian, vừa phải mang tính khoa học viễn tưởng. Màu sắc của MV cũng lấy cảm hứng từ những bảng màu trong cuốn Hoạ sắc Việt từ tranh Hàng Trống của tác giả Trịnh Thu Trang. Trong quá trình làm kịch bản mình đã tìm kiếm và nghiên cứu rất nhiều nguồn, may mắn tất cả đều có tư liệu vừa đủ sử dụng”.
Ngoài chất liệu tranh Hàng Trống, có những yếu tố, câu chuyện dân gian nào khác được đưa vào MV?
Ngoài tranh Hàng Trống thì xuyên suốt MV là một ván cờ gánh. Theo Wikipedia, cờ gánh xuất phát từ tỉnh Quảng Nam nước ta. Lời bài hát cho thấy đối với cặp đôi, tình yêu chỉ là một “trò chơi”. Sau khi nghiên cứu về các loại trò chơi dân gian, Minh Châu nhận thấy cờ gánh là lựa chọn tốt nhất để thể hiện yếu tố này, trò chơi này có phân biệt thắng thua rất rõ và đặc biệt là nước cờ bẫy (lợi dụng 2 nước cờ thắng của người kia để tạo thành thế cờ có lợi cho mình).
Ngoài ra đầu MV còn có xuất hiện chi tiết trầu cánh phượng liên quan đến tích Tấm Cám để giới thiệu Hoàng Thùy Linh và người đàn ông kia là hoàng hậu và vua.
Châu có thể chia sẻ về ván cờ trong MV đại diện cho điều gì? Và câu chuyện phía sau của từng nước đi trong ván cờ là gì?
Ván cờ này tượng trưng cho trò chơi tình yêu của đôi nam nữ trong bài hát. Mỗi nước cờ là một tình tiết lấy cảm hứng từ những bức tranh Hàng Trống, pha một chút sáng tạo và kết hợp trend trong đó. “Câu trả lời đầy đủ cho câu hỏi này sẽ không khác gì một bài phân tích toàn bộ MV. Là biên kịch của MV, mình nghĩ nên nhường không gian tưởng tượng và sáng tạo cho khán giả” – Minh Châu chia sẻ.
Tín ngưỡng thờ Mẫu đóng vai trò như thế nào trong MV?
Sau khi Hoàng Thùy Linh “cá chép hoá rồng”, cô gối đầu lên đùi hoàng thượng, vẻ mặt hạnh phúc tự tin. Trong mắt cô phản chiếu hình ảnh Mẫu Thượng Ngàn. Cô đã chế ngự và nắm trong tay gần như mọi thứ, nhưng quá trình “đấu tranh” nội tại đó cuối cùng cũng là vì cô muốn có được hoàn toàn trái tim của người đàn ông kia. Cô không còn lẩn quẩn trong trò chơi tình ái là ván cờ ban đầu nữa, nhưng cũng không sắt đá uy quyền, cô trở thành một người đàn bà hạnh phúc theo cách mình muốn.
Hình ảnh Mẫu Thượng Ngàn ở đây có liên quan đến thông điệp nữ quyền mà MV muốn truyền tải. Nữ quyền ở đây không nhất thiết phụ nữ phải đứng lên, gồng mình mạnh mẽ mà là dám nghĩ dám làm cái mình muốn để đạt được những mưu cầu chính đáng của bản thân.
Trong cảnh cuối cùng của MV, hình ảnh đứa bé đứng thẫn thờ trước những bức tranh cổ xưa mở ra điều gì?
Toàn bộ câu chuyện xảy ra trong MV là tưởng tượng của một cô gái trưởng thành ở thì tương lai khi xem lại những bức tranh dân gian Hàng Trống, trong đó bao gồm thông điệp về nữ quyền, về tình yêu chân chính. Sự xuất hiện của cô bé như một kết thúc mở, những thế hệ tiếp theo sẽ nghĩ gì khi chiêm ngưỡng những bức tranh dân gian này. Cá nhân Châu rất mong các bạn nhỏ sau khi xem MV sẽ tìm hiểu về dòng tranh Hàng Trống và các điển tích được kể trong đó.
Châu có điều gì muốn chia sẻ thêm về nội dung MV Kẻ cắp gặp bà già không?
Sẽ có một số nhận xét cho rằng MV Kẻ cắp gặp bà già nhồi nhét, ôm đồm quá nhiều chi tiết. Thế nhưng điều mình thực sự mong muốn chính là khi xem MV Kẻ cắp gặp bà già, đặc biệt là các bạn trẻ, mọi người sẽ biết đến càng nhiều càng tốt những giá trị văn hoá dân gian xuất hiện trong MV. Chẳng hạn như không chỉ có tranh Đông Hồ, mà tranh Hàng Trống cũng rất đẹp, ngoài cờ tướng hay cờ vây thì Việt Nam cũng có cờ gánh rất thú vị, sau khi xem MV mọi người sẽ tìm hiểu thêm về Mẫu Thượng Ngàn để biết đây là một trong rất nhiều tín ngưỡng của người xưa,… Đó là điều mình luôn cố gắng thực hiện khi làm công việc sáng tạo.
Cám ơn Minh Châu đã có những chia sẻ thú vị với Advertising Vietnam, chúc Châu sẽ có thêm thật nhiều MV thành công với những ý tưởng thu hút và độc đáo!
Nhật Ánh / Advertising Vietnam
The post Trò chuyện cùng Minh Châu, nữ biên kịch đứng sau MV “Kẻ cắp gặp bà già” appeared first on Advertising Vietnam.
Trò chuyện cùng Minh Châu, nữ biên kịch đứng sau MV “Kẻ cắp gặp bà già” posted first on https://advertisingvietnam.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét