Marketer và designer hãy thử đặt mình vào vị trí của người mua hàng trực tuyến. Các bạn sẽ thấy rằng một trong những yếu tố tác động mạnh mẽ đến chuyển đổi khách hàng chính là thiết kế của website. Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp có thể bị đánh giá là thiếu chuyên nghiệp nếu không thoả mãn trải nghiệm người dùng trên web.
Theo số liệu của HubSpot Blog, 48% khách hàng đánh giá mức độ uy tín của doanh nghiệp thông qua thiết kế của website. Bài viết dưới đây giới thiệu 9 chiến thuật giúp bạn cải thiện diện mạo và nội dung trang thương mại điện tử của mình, đồng thời đưa ra một số ví dụ áp dụng trong thực tế.
1. Giao diện thân thiện với người dùng
Một giao diện thân thiện sẽ giúp người dùng điều hướng mua hàng trên website một cách dễ dàng. Lấy ví dụ như trang web Daily Harvest. Trang chủ nêu rõ mục đích của sản phẩm và làm nổi bật CTA (call-to-action) “Get Started” – một liên kết nhanh chóng để khám phá việc mua hàng.
2. Quá trình thanh toán an toàn
Bảo mật luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của người dùng. Hãy thông báo cho họ biết mọi thông tin thẻ tín dụng của họ sẽ được bảo vệ trong mỗi lần thanh toán. Chẳng hạn, đặt thông báo bên cạnh khung điền thông tin.
Trong trường hợp bạn muốn nhấn mạnh về tính bảo mật của cổng thanh toán nhưng lại đưa nó lên đầu trang hoặc ở phần “Đặt hàng”. Điều này vô tình khiến khách mua hàng online đề cao tính cảnh giác.
3. Ứng dụng các tùy chọn bộ lọc
Các bộ lọc sản phẩm theo từng chủng loại, màu sắc, xuất xứ, giá thành… sẽ thuận tiện hơn cho người dùng hơn khi tìm kiếm sản phẩm như mong muốn. Khi thiết kế các tùy chọn bộ lọc, hãy đảm bảo các danh mục phải đủ rộng để bao quát số lượng sản phẩm khổng lồ nhưng cũng phải cụ thể cho khách hàng lựa chọn.
4. Cung cấp dịch vụ khách hàng tốt nhất
Tính năng chatbot tự động là một trong những dịch vụ chăm sóc khách hàng phổ biến. Nó có chức năng giải đáp FAQs – những câu hỏi thường gặp về sản phẩm hoặc dịch vụ. Ngoài ra, bạn có thể thiết kế một chuyên mục giải đáp mọi thắc mắc của khách hàng.
Ví dụ như Fujifilm, họ xây dựng một chuyên mục hướng dẫn sử dụng các loại máy ảnh và giới thiệu các phần mềm chỉnh sửa ảnh nổi bật cho “dân cầm máy”. Nếu như sản phẩm của bạn đòi hỏi phải được giải thích rõ ràng về cách thức hoạt động (như máy ảnh, phần mềm) thì trang web không thể bỏ qua chuyên mục hữu ích này.
5. Hệ thống quản lý nội dung phù hợp
Lựa chọn một hệ thống quản lý (Content Management System – CMS) có vai trò quan trọng không kém so với việc đầu tư vào trải nghiệm khách hàng. Một CMS phù hợp sẽ giúp bạn quản lý website hiệu quả hơn, các thành viên trong nhóm cũng dễ dàng thao tác.
CMS của bạn có cho phép thiết kế web đáp ứng như trang web dưới đây không?
(Thiết kế web đáp ứng, hay còn gọi là Responsive Web Design là xu hướng thiết kế sao cho web có thể hiển thị tương thích trên mọi kích thước của trình duyệt).
Một trong những CMS được sử dụng phổ biến hiện nay đó là CMS Hub. Nó chủ yếu dành cho các marketer, dân thiết kế web và chuyên gia IT với những hỗ trợ về chatbot, biểu mẫu, thiết kế đáp ứng. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo các hệ thống khác như WordPress, Drupal, Joomla…
6. Mô tả sản phẩm hấp dẫn và thú vị
Những câu chữ sáng tạo không nên chỉ dừng lại ở “mặt tiền” trang chủ. Bạn còn có thể biến hoá nội dung ở các mục mô tả sản phẩm. Hãy đảm bảo cá tính của thương hiệu (brand personality) được thể hiện trong toàn bộ nội dung của website. Cùng phân tích một đoạn mô tả sinh động của chiếc bình giữ nhiệt này nhé:
Ngay từ câu mở đầu người viết đã thể hiện sự thú vị của sản phẩm: “Không thủy tinh, chẳng sao cả.” Phần mô tả sau đó sẽ tập trung vào tính năng nổi bật như: “Bình cách nhiệt dễ dàng mang theo bên mình, làm từ thép không gỉ…giữ rượu vang ở nhiệt độ lý tưởng lên đến 24 giờ”. Và kết thúc bằng một câu hook – điểm níu chân độc giả: “ Bộ phận làm mát gọn nhẹ, bạn có thể mang bình rượu vang được ướp lạnh hoàn hảo đến bất cứ nơi nào mà cuộc sống dẫn lối.”
Bạn hoàn toàn có thể sử dụng bố cục trong phần mô tả các sản phẩm – dịch vụ của mình. Nó bao gồm 3 phần:
- Câu giới thiệu mang tính tương tác
- Làm nổi bật một số tính năng thiết yếu của sản phẩm
- Gợi ra một tình huống mà sản phẩm sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho khách hàng.
7. Tích hợp truyền thông xã hội trên trang sản phẩm
Chỉ đơn giản là những biểu tượng truyền thông xã hội được đặt bên cạnh sản phẩm nhưng sẽ cải thiện mức độ nhìn thấy của thương hiệu (brand visibility). Ví dụ, khi khách hàng chia sẻ một sản phẩm từ website lên trang cá nhân Instagram, những người theo dõi nếu cảm thấy thú vị sẽ dễ dàng click vào đường link đó để tìm hiểu thêm. Nhờ vậy mà thương hiệu có thể tiếp cận nhiều đối tượng hơn.
8. Đánh giá khách quan từ khách hàng
Tiếng nói của khách hàng (Voice of Customer – VOC) cung cấp cái nhìn khách quan cho những người có ý định mua sản phẩm của bạn. Thậm chí, mọi ý kiến đánh giá về trải nghiệm thực tế có phần đáng tin cậy hơn mô tả sản phẩm từ chính công ty.
9. Khả dụng trên thiết bị di động
Bạn có biết rằng vào năm 2021, doanh số bán smartphone ở Mỹ sẽ tăng lên hơn 350 tỷ đô la? Xu hướng này không chỉ riêng gì ở Mỹ mà tương lai sẽ phủ sóng toàn cầu. Đó chính là lý do tại sao các website thương mại điện tử của bạn bắt buộc phải tối ưu hoá cho màn hình di động để làm hài lòng khách hàng.
Một ví dụ về website của thương hiệu cà phê Dollop Coffee Co. Các sản phẩm đều được gắn nhãn rõ ràng, hình ảnh có độ phân giải cao và dễ quan sát trên các trình duyệt máy tính. Hãy so sánh cách hiển thị web trên máy tính so với màn hình điện thoại:
Trên điện thoại, hình ảnh sản phẩm nhỏ gọn hơn. Bốn sản phẩm được hiển thị cùng lúc trên màn hình dọc. Những thay đổi nhỏ này giúp người dùng dễ dàng điều hướng trên thiết bị di động không thua kém gì máy tính.
Trên đây là 9 quy tắc để thiết kế một website thương mại điện tử chuyên nghiệp. Hãy xem xét các thương hiệu trong thực tiễn đã lựa chọn chiến thuật nào để cung cấp trải nghiệm mua sắm online toàn diện nhất nhé.
Top 5 thiết kế web thương mại điện tử tốt nhất
1. Bandcamp
Chiến thuật: Giao diện web thân thiện với người dùng
Bandcamp là một trang web dành cho các hãng thu âm và các nghệ sĩ tự do. Người dùng có thể chia sẻ và bán nhạc của họ. Dịch vụ này yêu cầu Bandcamp phải có giao diện web dễ sử dụng và cá nhân hóa với từng nghệ sĩ.
2. Yelp
Chiến thuật: Bộ lọc sản phẩm đa dạng
Yelp là một nền tảng mở rộng nơi khách hàng để lại những đánh giá trải nghiệm mua sắm. Đây cũng là cơ hội cho các thương hiệu có thể hiện diện mạnh mẽ hơn và tích cực kết nối với khách hàng.
Các bộ lọc trên Yelp như một bảng chỉ đường người dùng tìm ra những điểm dừng chân lý tưởng. Nếu website của bạn cũng lưu trữ số lượng lớn sản phẩm và dịch vụ như Yelp, hãy mở rộng các tùy chọn bộ lọc của mình để phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
3. Scoop N Scootery
Chiến thuật: Danh mục sản phẩm hấp dẫn
Trang web của Scoop N Scootery – một cửa hàng kem ở Boston, Mỹ đã làm “tan chảy” mọi ánh nhìn với những hình ảnh ngọt ngào và đầy màu sắc. Quan trọng hơn hết là Scoop N Scootery đã thể hiện tinh thần (brand spirit) và cá tính thương hiệu (brand personality) một cách nhất quán – từ phần mở đầu cho đến menu sản phẩm.
4. SimpliSafe
Chiến thuật: Tùy chọn hỗ trợ khách hàng đa dạng
SimpliSafe là thương hiệu chuyên cung cấp các hệ thống bảo vệ nhà thông minh. Nó đã lập ra hẳn một Trung tâm hỗ trợ để giải đáp thắc mắc của khách hàng về an ninh gia đình và hệ thống camera do SimpliSafe phân phối.
Nếu một trong những mục tiêu của bạn là nâng cao khả năng phục vụ khách hàng online, Trung tâm hỗ trợ của SimpliSafe hẳn là một nguồn cảm hứng tuyệt vời.
5. Rothy’s
Chiến thuật: Mô tả sản phẩm cuốn hút
Rothy’s – một thương hiệu giày dép làm từ chai nhựa tái chế luôn thể hiện sự vui vẻ, lạc quan trong phần mô tả sản phẩm của mình. Người dùng có thể thỏa sức tưởng tượng về niềm hạnh phúc, thư giãn và phong cách mà đôi giày Rothy’s có thể mang lại.
Có rất nhiều trường hợp khách hàng lần đầu tiên truy cập vào website thương mại điện tử của bạn. Vì vậy, hãy khơi gợi cảm xúc của họ thông qua các mục mô tả sản phẩm, tạo hứng thú để họ mong muốn tìm hiểu và sở hữu chúng.
Mong rằng những chia sẻ trên sẽ truyền cảm hứng cho bạn sáng tạo một website chuyên nghiệp và đáp ứng trải nghiệm khách hàng.
Ngọc Anh / Advertising Vietnam
Theo HubSpot Blog
The post 9 chiến thuật thiết kế website thương mại điện tử chuyên nghiệp – Những ví dụ điển hình appeared first on Advertising Vietnam.
9 chiến thuật thiết kế website thương mại điện tử chuyên nghiệp – Những ví dụ điển hình posted first on https://advertisingvietnam.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét