“Những hợp tác, hỗ trợ chặt chẽ của từ phía Đảng và cơ quan Chính phủ là thành tố quan trọng để Facebook lựa chọn Việt Nam là nơi đẩy mạnh đầu tư”, ông Simon Milner, Phó Chủ tịch phụ trách Chính sách công Facebook khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói.
Một ngày sau tuyên bố Facebook đã chính thức mở rộng sản xuất sang Việt Nam với sản phẩm kính thực tế ảo Oculus Rift S thế hệ mới, chiều ngày 5/11, ông Simon Milner, Phó Chủ tịch phụ trách Chính sách công Facebook khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã có cuộc trao đổi với báo chí. Ông khẳng định Việt Nam là thị trường quan trọng và tập đoàn cam kết sẽ đầu tư lâu dài.
Ông có thể cho biết chiến lược của Facebook với thị trường Việt Nam là gì?
Giống như chiến lược với nhiều quốc gia khác, Facebook luôn mong muốn trở thành đối tác tốt, tuyệt vời với Việt Nam. Chúng tôi hướng đến việc giúp hàng triệu người dùng Facebook ở Việt Nam có được trải nghiệp tốt khi sử dụng dịch vụ, có môi trường mạng an toàn. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào cuộc cách mạng 4.0, Facebook cũng hi vọng được cùng đồng hành.
Ngoài điểm chung với những đất nước khác, Việt Nam có những điểm riêng biệt, ví dụ dân số trẻ, năng động, sử dụng, ứng dụng công nghệ mạnh mẽ. Facebook muốn rằng sẽ đóng góp một phần vào sự phát triển thịnh vượng của nền kinh tế này trong tương lai.
Nhắc đến cách mạng công nghiệp 4.0, như ông nói là Facebook muốn đồng hành cùng Việt Nam, vậy, những hành động cụ thể nào có thể chứng minh cam kết này?
Chúng tôi hỗ trợ cách mạng 4.0 ở Việt Nam thông qua 3 hoạt động cụ thể. Thứ nhất là đầu tư vào băng thông quốc tế cho người dùng. Facebook đã hợp tác với các nhà viễn thông tại Việt Nam để thực hiện điều này. Trong tổng số 63 Terabit thì Facebook hỗ trợ 5 Terabit.
Thứ hai là hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam. Hiện cộng đồng mà chúng tôi đang hỗ trợ đạt con số 300 startups mà ví dụ có thể nhắc đến là Tiki. Tiki là 1 trong số 14 công ty nhận được sự tư vấn, hỗ trợ 1:1.
Chúng tôi đồng hành cùng Tiki trong 1 chương trình tăng tốc trong 5 tháng, bao gồm cả việc đưa founder của doanh nghiệp sang thăm và làm việc cùng với những lãnh đạo cao nhất của Facebook.
Thứ ba là hỗ trợ cộng đồng các nhà phát triển phần mềm. Chương trình này được bắt đầu từ năm 2017 và đến tháng 5 năm nay, Facebook đã tổ chức một cuộc thi trong cộng đồng các nhà lập trình Việt Nam. Đây là chương trình lớn, bắt đầu từ TP. Hồ Chí Minh và đến năm 2020 sẽ mở rộng ra Hà Nội.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của Việt Nam đang kinh doanh trên nền tảng của Facebook. Các ông có chính sách gì cho họ hay không?
DNNVV có tiềm lực tài chính rất hạn chế do vậy các hoạt động quảng cáo truyền thống kiểu như pano ngoài trời, xuất hiện trên truyền hình sẽ nằm ngoài ngân sách của họ. Nhưng với giải pháp quảng cáo trên Facebook, họ có thể chi trả được. Như vậy, hàng trăm nghìn doanh nghiệp Việt được hưởng lợi từ nền tảng Facebook trong việc tiếp cận khách hàng.
Ngoài ra, Facebook còn 2 chương trình nữa cho DNNVV là Bệ phóng doanh nghiệp cùng Facebook và Phụ nữ là doanh nhân.
Nguyên nhân nào khiến Facebook quyết định đẩy mạnh đầu tư ở Việt Nam?
Quy mô của nền kinh tế Việt Nam rất hấp dẫn. Chính phủ cũng có tinh thần cởi mở trong thu hút, tạo điều kiện cho các công ty nước ngoài đến làm ăn. Rồi thì sự năng động của người dân, sự phát triển nhanh của nền kinh tế… những yếu tố đấy khiến Việt Nam trở thành nơi có sức hút.
Tất nhiên, các quốc gia khác thì cũng đông dân, dân số trẻ… nhưng điểm khác biệt ở Việt Nam là tinh thần quyết tâm của lãnh đạo Chính phủ trong việc hỗ trợ những chương trình này phát triển.
Năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp lãnh đạo cao cấp của Facebook ở Davos. Tháng 4 năm nay, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng có tiếp xúc với Sheryl Sandberg, COO Facebook.
Trong cuộc gặp với bà Sheryl, ông Bình đề nghị chúng tôi hợp tác trong 3 lĩnh vực: an ninh mạng, nghiên cứu phát triển và đầu tư. Trong năm nay, 3 lĩnh vực này cũng có nhiều tiến triển.
Chiều 4/11, khi gặp ông Bình, chúng tôi đã thông báo về kế hoạch đầu tư ở Việt Nam. Những hợp tác, hỗ trợ chặt chẽ của Đảng Cộng sản Việt Nam, cụ thể như Ban Kinh tế Trung ương, cùng các cơ quan Chính phủ là thành tố quan trọng để Facebook chọn lựa Việt Nam.
Vậy cụ thể Chính phủ Việt Nam đã có những động thái gì để Facebook dễ dàng thoạt động?
Nếu bạn là tôi và tham gia vào những cuộc họp đó thì mới thấy Chính phủ các bạn rất cởi mở. Như tôi nói, họ rất chào đón các doanh nghiệp nước ngoài có định hướng phát triển cách mạng 4.0, công nghệ đến Việt Nam. Những hỗ trợ của Chính phủ dành cho Facebook rất tích cực.
Mặt khác, Facebook cũng có mối quan hệ tốt với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam. Đó là thế kiềng ba chân giữa Facebook – Chính phủ Việt Nam – Đại sứ quán Mỹ. Với mối quan hệ tốt đẹp như thế thì kể cả khi nảy sinh các vấn đề tạm gọi là bất đồng thì các bên cũng có thể cởi mở trao đổi với nhau.
Những điều tốt đẹp này đã được chứng tỏ xuyên suốt qua các năm từ 2017 đến nay. Tôi hi vọng khi ở tương lai xa hơn, mọi thứ vẫn tốt đẹp.
Quay trở lại với câu chuyện đầu tư sản xuất tại Việt Nam, ông có thể cho biết tại sao lại lựa chọn kính thực tế ảo Oculus Rift S thế hệ mới để là thứ bắt đầu và tiêu chí nào để doanh nghiệp Việt có thể tham gia cùng? Mặt khác, với cam kết đầu tư dài hơi như thế, liệu Facebook đã có kế hoạch cho một văn phòng đại diện ở đây?
Cả hai câu hỏi này tôi xin phép chưa trả lời một cách cụ thể được. Với câu hỏi thứ nhất về tại sao lựa chọn kính thực tế ảo để sản xuất và doanh nghiệp nào có thể tham gia, khi có thông tin chính thức, chúng tôi sẽ công bố cập nhật.
Với câu thứ hai liên quan đến cam kết đầu tư dài hạn ở Việt Nam, đây là cam kết rất mạnh mẽ của Facebook được thể hiện qua rất nhiều tuyên bố trước đó. Tôi hi vọng thông qua những công bố như vậy, Chính phủ và người dân luôn coi Facebook là đối tác tốt của Việt Nam.
Theo cafef.vn
The post Facebook đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, khẳng định sự hỗ trợ từ Đảng, Chính phủ Việt Nam là lý do appeared first on Advertising Vietnam.
Facebook đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, khẳng định sự hỗ trợ từ Đảng, Chính phủ Việt Nam là lý do posted first on https://advertisingvietnam.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét