Thứ Ba, 16 tháng 7, 2019

Đâu là giải pháp cho các thương hiệu trong cuộc chiến với rác thải nhựa?

Phong trào “sống xanh” đang lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng người tiêu dùng, tuy nhiên thời gian gắn bó chưa thực sự lâu dài . Một câu hỏi đặt ra cho các thương hiệu hiện nay: Làm thế nào để tạo nên thói quen bền vững với sản phẩm thân thiện môi trường?

Theo một khảo sát của Marketing Week, 92.4% cộng đồng tiêu dùng người Anh đều tỏ ra hào hứng khi các thương hiệu tung ra mặt hàng thay thế đồ nhựa. Trong số đó, phần lớn cho biết sẽ mua nếu giá cả hợp lý và tiện lợi, chỉ có 14.6% sẽ lựa chọn mà không quan tâm đến các vấn đề khác.

Cuộc chiến với rác thải nhựa đã và đang đặt ra những thách thức lớn cho các doanh nghiệp. Một mặt, họ nỗ lực để cắt giảm nhựa trong sản xuất, mặt khác, phải đấu tranh để thuyết phục khách hàng thay đổi lựa chọn. Tuy nhiên, nếu sản phẩm thân thiện môi trường mà gây tốn kém và khó thích nghi thì không thể tạo ra thói quen tiêu dùng lâu bền cho khách hàng.

Chính vì vậy, để tìm cách tạo thói quen tiêu dùng bền vững, thương hiệu cần đảm bảo giá thành và khả năng tiếp cận phù hợp với các vị “thượng đế”.

Tạo ra lựa chọn dễ dàng

Khi một lựa chọn được đưa ra cho khách hàng, điều quan trọng phải khiến nó trở nên dễ dàng.

Điển hình như Lush – hãng mỹ phẩm thiên nhiên hàng đầu đã mở rộng thành công chuỗi cửa hàng “naked” trên thế giới. Naked store tương tự như các cửa hàng thông thường nhưng mọi sản phẩm đều không sử dụng bao bì nhựa.

Ban đầu, loại hình cửa hàng này chỉ xuất hiện trong lễ kỷ niệm 30 năm, nhưng sau đó trở thành kế hoạch phát triển bền vững cho công ty. Với quan điểm riêng, Lush tạo ra một không gian mua sắm mang đến cho người tiêu dùng cơ hội đưa ra lựa chọn sáng suốt nhất.

Một thương hiệu khác cũng muốn chứng minh với người tiêu dùng biết rằng họ đang làm những điều tốt nhất cho môi trường, đó là Coco Di Mama. Chuỗi cửa hàng thức ăn mang đi của Ý đã loại bỏ ống hút nhựa khỏi các cửa hàng và cung cấp một loại “ống hút mì Ý”.

Mỗi tuần, hàng ngàn ống hút mì Ý được sản xuất. Ngoài ra, nếu khách hàng yêu cầu, ống hút giấy vẫn sẵn sàng. Là một thương hiệu chủ yếu bán thực phẩm trong bao bì mang đi, Coco Di Mama rất ý thức về các tác động của mình ảnh hưởng xấu đến môi trường và tập trung vào việc giảm chất thải nhựa.

Lắng nghe người tiêu dùng

Nhiều thương hiệu dẫn đầu trong phong trào “sống xanh” đều xuất phát từ nhu cầu thay thế đồ nhựa của khách hàng. Đó là việc lắng nghe và chú ý đến những câu chuyện đang diễn ra trên trang web và các kênh truyền thông xã hội hiện nay.

Chẳng hạn, ý tưởng “ống hút mì Ý” bắt nguồn từ một nhân viên Coco Di Mama đã đề xuất sử dụng loại mì ống rỗng, dài được gọi là Bucatini. Trước đó, công ty này cũng nhận được rất nhiều phản hồi trong mục “mối quan tâm về môi trường”, hầu hết khách hàng của họ không hài lòng với ống hút nhựa.

Mặc dù, đa số người tiêu dùng đều biết về nhựa và các vấn đề xoay quanh nó nhưng lại không thực sự hiểu rõ mình cần làm gì. Bởi vì vậy, các cửa hàng nói không với rác thải nhựa càng cần được đẩy mạnh để giúp mọi người thay đổi thói quen cũ.

“Bán” những câu chuyện phát triển bền vững

Thuyết phục người tiêu dùng không dùng đồ nhựa là một chuyện, nhưng để biến họ thành khách hàng trung thành lại là chuyện khác. Điều quan trọng là các thương hiệu biết tìm cách “bán” những câu chuyện bền vững của họ. Chẳng hạn, một thông điệp in trên sản phẩm để giải thích lý do tại sao nó lại thân thiện với môi trường. Hay những câu chuyện giải thích cho người tiêu dùng về một cuộc sống bền vững hơn nếu tái sử dụng các đồ vật.

Lại nói về thương hiệu mỹ phẩm Lush, công ty này không hề dựa vào phương pháp tiếp thị truyền thống mà tận dụng đội ngũ nhân viên của mình. Đại diện Lush cho biết, “Họ rất giàu nhiệt huyết, chúng tôi chỉ đơn giản cung cấp cho các nhân viên đó những công cụ để kể lại câu chuyện bền vững và thực sự tin tưởng vào họ”.

“Tuy nhiên, chúng tôi không ở đây để giáo dục khách hàng hay bảo với họ những gì nên và không nên làm. Chúng tôi nghĩ rằng mình đã có tất cả câu trả lời và chỉ muốn họ dễ dàng giảm việc sử dụng nhựa và kiểm soát chất thải nhựa mà họ tạo ra trong phòng tắm.” Có thể nói, sự phát triển bền vững sẽ trở thành một phần trong quá trình tạo nên mọi bộ sưu tập tương lai.

Những thách thức của doanh nghiệp

Khi kinh doanh sản phẩm thân thiện với môi trường, ba trở ngại chính mà các thương hiệu phải vượt qua đó là: vận chuyển, chi phí và mua trữ nội bộ.

Nhìn vào thực tế, các sản phẩm thay thế nhựa có một chút khác biệt trong quy trình sản xuất và điều này không may làm cho chúng đắt hơn bình thường. Hãng thức ăn Coco Di Mama cho rằng, càng thân thiện với môi trường thì chi phí càng cao và gây khó khăn cho các nhà quản lý khi đưa ra quyết định. Vì vậy, để bù đắp những chi phí này, doanh nghiệp cần phải tạo ra các khoản tiết kiệm trong các lĩnh vực khác.

Đối với Lush, những thách thức của họ bao gồm tìm ra cách vận chuyển thân thiện với môi trường hơn khi đưa đến các cửa hàng trên thế giới, và đôi khi phải giải thích trước luật nhãn hiệu nghiêm ngặt của nước Ý. Tuy vậy, đó vẫn luôn là mục đích của cửa hàng thân thiện với môi trường.

Tóm lại, mặc dù đứng trước những thách thức, đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, một bước tiến trong hành trình bền vững của họ đều là một bước đi hoàn toàn đúng hướng.

Ngọc Anh/Advertising Vietnam

Theo marketingweek

The post Đâu là giải pháp cho các thương hiệu trong cuộc chiến với rác thải nhựa? appeared first on Advertising Vietnam.


Đâu là giải pháp cho các thương hiệu trong cuộc chiến với rác thải nhựa? posted first on https://advertisingvietnam.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét