Ra đời vào thế kỷ 19, bằng những chiến thuật tiếp thị thông minh, Coca-Cola đã trở thành một trong những sản phẩm dẫn đầu thị trường nước ngọt có ga. Hãy cùng nhìn lại 6 chiến dịch đáng nhớ đã làm nên tên tuổi của thương hiệu nước giải khát hàng đầu thế giới.
Chiến dịch Hilltop (1971) – “I’d Like to Teach the World to Sing”
Tạm gác lại những quảng cáo trong thời đại kỹ thuật số, chúng ta bắt gặp hình ảnh cổ điển và giản dị đến bất ngờ trong “Hilltop” của Coca-cola ( 1971). Trên một đỉnh đồi tại Italy, một nhóm người không phân biệt màu da, chủng tộc, trên tay cầm chai Coca-Cola truyền thống và cùng nhau ngân nga vang hát bài hát “I’d Like to Teach the World to Sing”.
Vào thời điểm ra mắt, bài hát ngay lập tức trở thành biểu tượng của thương hiệu và được chuyển đến các đài phát thanh trên khắp nước Mỹ. Không chỉ vậy, công ty Coca-Cola còn nhận được hơn 100.000 thư ngỏ ý về hợp tác thương mại. “Hilltop” được đánh giá là bước đệm thành công nhất trong lịch sử quảng cáo của Coca-Cola thời bấy giờ .
2. Chiến dịch “Holidays are coming” (1995 – đến nay)
Mở đầu bằng tiếng chuông leng keng của xe trượt tuyết cùng chiếc xe tải Coca-Cola lấp lánh, “Holidays are coming” đã trở thành biểu tượng đón chào Giáng sinh của hàng triệu người trên thế giới.
Mặc dù trước đó vào năm 1930, Coca-Cola đã từng tung ra quảng cáo Giáng sinh đầu tiên nhưng có vẻ không tạo được hiệu ứng như mong đợi. Đến năm 1995, chiến dịch “Holidays are coming” mới thực sự tạo ra sự kết nối thành công giữa thương hiệu và dịp lễ trọng đại này. Đối với nhiều người trong chúng ta, những cảnh tuyết rơi, âm thanh vui nhộn và những đứa trẻ hào hứng nhận quà Giáng sinh đã tạo nên tinh thần bất hủ của ngày lễ, trong đó không thể thiếu hình ảnh lon Coca-Cola quen thuộc.
3. Chiến dịch “The Polar Bowl” (2012)
Xuyên suốt mùa giải bóng bầu dục Super Bowl XLVI năm 2012, hình ảnh chú gấu Bắc cực đã trở thành linh vật trong các chiến dịch quảng cáo của Coca-Cola.
Công ty ước tính rằng 60% trong số 111 triệu người xem Super Bowl sẽ sử dụng màn hình thứ hai khi xem trận đấu. Chính vì vậy, hai chú gấu trắng có khả năng tương tác sẽ cùng mọi người thưởng thức trận đấu. Một chú gấu cổ vũ cho đội New York Giants, một chú gấu ủng hộ cho đội New England Patriots. Khán giả được khuyến khích truy cập vào trang web www.CokePolarBowl.com nơi họ có thể xem những chú gấu Bắc cực phản ứng với trận đấu bên cạnh màn hình TV như: hò reo khi đội nhà ghi bàn, lắc đầu thở dài, thư giãn khi nghỉ giữa trận…
“The Polar Bowl” là một chiến dịch bùng nổ với 9 triệu người dùng mạng xã hội tò mò kiểm tra xem những con gấu Bắc cực đang làm gì. Sau giải đấu, Coca-Cola sẽ cung cấp các đoạn video từ Polar Bowl để người tiêu dùng tweet chia sẻ trên các kênh digital khác nhau.
4. Chiến dịch “Uplifted Alex” (2017)
Là quảng cáo thứ 3 trong chuỗi chiến dịch chào mừng World Cup 2018, “Uplifted Alex” đánh dấu sự xuất hiện đầu tiên của Alex Hunter, đại sứ bóng đá ảo của Coca-Cola.
Việc đầu tư vào một nhân vật trò chơi điện tử hư cấu đã chứng minh một bước đột phá của Coca-Cola vào nhiều lĩnh vực quảng cáo khác nhau, đồng thời là cơ hội quảng bá cho sản phẩm mới Coca-Cola Zero Sugar vừa phát hành ở Quảng trường Times Square (New York) – địa điểm đầu tiên đặt bảng hiệu quảng cáo 3D điện tử tương tác.
5. “Happiness Factory” (2006)
Coca-Cola chuyển sang quảng cáo animation sinh động thay vì phong cách quảng cáo cổ điển. Điều này cho cho phép thương hiệu khám phá khía cạnh sáng tạo của mình bằng cách tưởng tượng về thế giới tuyệt vời bên trong của máy bán hàng tự động sau khi đồng xu của khách hàng được đưa vào.
6. “Share a Coke” (2011)
Lần đầu tiên thử nghiệm tại Úc nhằm thúc đẩy nhận thức về thương hiệu của khách hàng trẻ tuổi, “Share a coke” bỗng trở thành một hiện tượng toàn cầu và tạo nên dấu mốc “để đời” cho Coca-Cola .
Khẩu hiệu “Share a coke” làm nổi bật sứ mệnh lâu đời của Coca-Cola là một thương hiệu bắt nguồn từ tình bạn và gắn kết mọi người lại với nhau. Bắt đầu bằng việc thay thế logo của công ty trên vỏ những chai coca bằng 250 tên người phổ biến nhất ở mỗi quốc gia, Coca-Cola đã chứng kiến doanh số bùng nổ và hàng triệu cuộc trò chuyện xã hội xung quanh chiến dịch thú vị này.
Với “Share a coke”, Coca-Cola mong muốn cùng khách hàng chia sẻ những câu chuyện đời sống cá nhân, đồng thời là cơ hội quảng bá cho thương hiệu của mình. Chẳng hạn, khi một người tiêu dùng chia sẻ chai Coca-Cola mang tên của cha mình, anh ta cảm thấy như mình đang tôn vinh cha mình hơn là đang quảng cáo cho sản phẩm.
Thành công của chiến dịch làm tăng tỷ lệ tiêu thụ Coca-Cola thêm tăng 7%, trang web của Coca-Cola tăng 870% lượng truy cập, đồng thời khoảng 76.000 lon Coca-Cola ảo đã được chia sẻ trực tuyến.
Phải khẳng định rằng Coca-Cola luôn biết cách làm mới bản thân. Mỗi năm mỗi khác, các chiến dịch của thương hiệu nước giải khát này lại khoác lên mình một màu sắc, một ý nghĩa rất riêng biệt và minh chứng cho sự sáng tạo vượt trên ranh giới quảng cáo thông thường.
Ngọc Anh | Advertising Vietnam
Theo The Drum
The post “Điểm mặt gọi tên” 6 chiến dịch quảng cáo đi vào lịch sử của Coca-Cola appeared first on Advertising Vietnam.
“Điểm mặt gọi tên” 6 chiến dịch quảng cáo đi vào lịch sử của Coca-Cola posted first on https://advertisingvietnam.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét