Xu hướng mua sắm kết hợp giải trí (Shoppertainment) nhờ hình thức livestream chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt tại thị trường Châu Á – Thái Bình Dương APAC. Điều này đồng nghĩa với việc các cửa hàng truyền thống đang có nguy cơ thất sủng trong mắt người tiêu dùng. Lý do nào khiến làn sóng livestream lại được ưa chuộng bởi các kênh thương mại điện tử đến như vậy?
Nếu như ở phương Tây, nền tảng livestream Twitch của Amazon đang tạo ra những trải nghiệm mua sắm tích cực, thì ở phương Đông cũng không hề kém cạnh. Cụ thể là Alibaba của Trung Quốc đang gặt hái thành công nhờ đầu tư vào mô hình mua sắm kết hợp giải trí trên quy mô lớn.
Ở Đông Nam Á, Lazada là doanh nghiệp đầu tiên sáng tạo ra thuật ngữ “Shoppertainment” – mô hình mua sắm thế hệ mới có sự kết hợp của giải trí và trải nghiệm xã hội. Theo đó, người tiêu dùng thường bị cuốn hút những điều thú vị trên các trang thương mại điện tử và dễ dàng nảy sinh ý định mua hàng. Shoppertainment bao gồm phát trực tiếp trong ứng dụng, gamification (áp dụng thiết kế game vào thương mại điện tử)…
Livestream đang ngày càng chứng tỏ sức hút của mình trong lĩnh vực kinh doanh trực tuyến, là cầu nối cho mọi lỗ hổng của mô hình bán lẻ đa kênh (omni channel). Ngày nay, người tiêu dùng không còn cần phải đến cửa hàng truyền thống để xem trực tiếp sản phẩm, nhờ nhân viên hỗ trợ tư vấn hay thanh toán tại quầy. Tất cả điều này đều có thể được thực hiện trực tuyến dù bạn đang ở nhà hay đang đi trên đường
Cụ thể là trang mạng mua sắm trực tuyến Taobao hiện đang sở hữu hơn 4.000 host livestream – những người tạo ra nội dung bán hàng trực tuyến 150.000 giờ mỗi ngày. Hơn 80% trong số họ là phụ nữ. Trong suốt buổi livestream, người xem có thể để lại bình luận và nhanh chóng đặt mua sản phẩm nào mà họ thấy ưng ý trên cùng một ứng dụng. Theo thống kê có khoảng 600.000 lượt mua hàng như vậy mỗi ngày trên Taobao.
Khi livestream chiếm sóng trên các trang thương mại điện tử
Lazada và Shopee là một trong số những đại diện cho rằng livestream là hình thức bán hàng mang đến nhiều lợi ích nhất cho các cửa hàng trực tuyến nhờ khả năng kết nối dễ dàng giữa người mua với người bán.
Tháng Ba vừa qua, để kỷ niệm sinh nhật lần thứ Bảy, Lazada đã thử “một lần chơi lớn” khi phát sóng trực tiếp một buổi hòa nhạc ngay trên ứng dụng của mình đồng thời tại sáu thị trường trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và thêm một lần nữa trong Lễ khai mạc Women’s Festival một tháng sau đó.
Trong khi đó, đối thủ không đội trời chung – Shopee cũng tích cực ra mắt tính năng Shopee Live trong chiến dịch Great Shopee Sale kéo dài một tháng của mình. Sự kiện quy tụ hơn 100 thương hiệu nổi tiếng bao gồm L’Oréal, Chope và Innisfree đã tham gia livestream để tăng doanh thu bán hàng nhân dịp này.
Kết quả là doanh số của mỗi cửa hàng trực tuyến tăng tới 75% sau chiến dịch và phía đại diện Shopee cũng nhận được vô số phản hồi tích cực từ các cửa hàng. Điều này đã chứng thực sự hấp dẫn đến từ tính năng Shopee Live.
Theo Zhou Junjie, giám đốc thương mại của Shopee cho biết: “Shopee Live được thiết kế với mục đích kết hợp các yếu tố xã hội, cá nhân hóa vào nền tảng để mang lại trải nghiệm mua sắm tích hợp cho người dùng.”
Ông Zhou cũng chia sẻ thêm: “Với nhu cầu về sự tiện lợi và môi trường mua sắm tương tác ngày càng tăng cao, doanh nghiệp thương mại điện tử nào có khả năng cung cấp trải nghiệm mua sắm trực tuyến đa kênh độc đáo và hấp dẫn hơn sẽ giành chiến thắng.”
Quan hệ đối tác phát huy mạnh mẽ nhờ công cụ livestream
Trong bối cảnh hiện nay, quan hệ đối tác ngày càng trở nên quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh doanh của các nền tảng thương mại điện tử như Lazada và Shopee. Trước kia, lịch sử bán hàng và kế hoạch marketing được xem là động lực tăng trưởng chính nhưng trong những năm gần đây, một làn sóng mới xuất hiện mang tên kênh hợp tác (partnership channel) nổi lên như một yếu tố hàng đầu để thu hút khách hàng, ảnh hưởng đến tỷ lệ chuyển đổi (conversion rate) và lòng trung thành với thương hiệu.
Trong thời đại các trình phát video và livestream bùng nổ, thương hiệu nên tìm cách mở rộng quan hệ hợp tác với những nhân vật nổi tiếng có lượng fan và chủ đề liên hệ chặt chẽ với các sản phẩm của thương hiệu.
Trong một nghiên cứu gần đây của Forrester, các chương trình hợp tác đã chiếm gần 30% tổng doanh thu hàng năm của những công ty có quan hệ đối tác. Các công ty đầu tư vào kênh này đang chứng kiến sự tăng trưởng bền vững, đồng thời là một cách để dần thoát khỏi sự phụ thuộc đối với Facebook và Google. Quan hệ đối tác là một cách tuyệt vời để các thương hiệu, các đơn vị quảng bá sản phẩm và influencer làm việc cùng nhau, cung cấp những nội dung và trải nghiệm thực tế cho người tiêu dùng của họ.
Cuối cùng, các thương hiệu sẽ tránh ảnh hưởng của tình trạng độc quyền và tăng cường kiểm soát tương lai của doanh nghiệp thông qua các mối quan hệ đối tác có khả năng thúc đẩy dòng doanh thu mới.
Tại sao các thương hiệu nên tận dụng việc livestream trong thương mại điện tử?
Bạn hãy thử tưởng tượng, một influencer trong lĩnh vực thể hình tham gia livestream giới thiệu về phương pháp tập luyện mới. Người hâm mộ đang xem có thể tham khảo những trang thiết bị trong phòng tập hoặc trang phục thể thao mà anh ta đang mặc hoặc may mắn hơn là nhận được mã giảm giá từ thần tượng của mình để mua một trong những mặt hàng đó trực tiếp từ thương hiệu.
Có thể thấy, những mối quan hệ đối tác này hiệu quả nhất khi thương hiệu và các influencer phối hợp ăn ý với nhau để tạo ra nội dung liên quan và tìm ra những cách thiết thực để influencer gợi ý sản phẩm thông qua một buổi phát trực tiếp. Lấy ví dụ về show thời trang của Lazada – “See Now Buy Now” được tổ chức tại Thái Lan và Philippines tháng Sáu vừa qua với sự xuất hiện của những nhân vật đại diện cho xu hướng thời trang mới như Salisa Cheewapansri. Doanh số đến từ sự kiện này tăng vọt ít nhất 20 lần so với bình thường. Tất cả các mặt hàng của Salisa đã được bán hết trong vòng nửa ngày.
Bên cạnh đó, Lazada cũng lần đầu tiên tổ chức gameshow phát trực tiếp có tên Guess It! Bao gồm 2.000 thương hiệu và người bán đến từ sáu quốc gia tham gia trong vòng 20 ngày. “Ông lớn” thương mại điện tử nhân dịp này đã tuyên bố rằng qua 672 phiên gameshow đạt được hơn 7 triệu người xem, 2 triệu lượt bình luận và thời gian xem trung bình là 8,1 phút mỗi phiên.
Lên kế hoạch thử nghiệm và theo dõi
Giám đốc Zhou Junjie của Shopee đưa ra đề xuất rằng các doanh nghiệp thương mại điện tử nên tìm cách biến việc mua sắm trực tuyến mang tính cá nhân hơn và tạo cảm giác về một cửa hàng ngoại tuyến. Bởi lẽ, người tiêu dùng đang tìm kiếm nhiều hơn là một trải nghiệm giao dịch trực tuyến đơn thuần. Họ mong muốn được khám phá các sản phẩm mới, được giải trí và thậm chí tham gia tương tác với cộng đồng trực tuyến.
Các chuyên gia dành lời khuyên các thương hiệu hãy hợp tác với các nền tảng có thể kết nối dữ liệu của bên thứ hai và bên thứ ba để mang đến cái nhìn toàn diện về hành trình trải nghiệm của khách hàng. Và để thực hiện điều này, họ cần đến những công cụ đắc lực, chẳng hạn như livestream.
Người bán có thể tương tác trực tiếp với khách hàng của mình chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng Internet tốt. Trong quá trình phát trực tiếp, người bán dễ dàng giải đáp đồng thời những thắc mắc của khán giả, nhờ đó loại bỏ những rắc rối khi phải giải quyết từng câu hỏi riêng lẻ trong các danh sách sản phẩm.
Ngọc Anh/Advertising Vietnam
Theo TheDrum
The post Lý do nào khiến Live Stream trở thành yếu tố “làm mưa làm gió” tại thị trường APAC ? appeared first on Advertising Vietnam.
Lý do nào khiến Live Stream trở thành yếu tố “làm mưa làm gió” tại thị trường APAC ? posted first on https://advertisingvietnam.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét